Những kỹ năng mà các tân cử nhân cần có khi đi xin việc

Tin vui với tất cả các ứng viên là cho dù bạn học ngành gì thì vẫn phải thật sự chăm chút cho 5 kỹ năng đầu tiên.

Bằng cấp chuyên môn chưa đủ

Mặc dù giới tuyển dụng vẫn ưa chuộng các ứng viên am hiểu kiến thức công nghệ liên quan tới công việc chuyên môn, nhưng kỹ năng đó lại không được đánh giá cao bằng những kỹ năng khác như biết làm việc nhóm, có thể ra quyết định, giao tiếp và khả năng lập kế hoạch, ưu tiên trong công việc.

Đó là những kết quả thu được trong cuộc điều tra của Hiệp hội các đại học và giới chủ doanh nghiệp toàn quốc NACE ở Pennsylvania (Mỹ) với 260 chủ doanh nghiệp thực hiện từ giữa tháng 8 tới đầu tháng 10 năm nay.

Câu hỏi các nhà nghiên cứu của NACE đặt ra là các chủ doanh nghiệp ưu tiên những kỹ năng nào nhất trong khi tuyển chọn nhân sự.

Mặc dù số doanh nghiệp tham gia điều tra không lớn, nhưng trong đó có những tập đoàn đáng kể như Chevron, IBM và Seagate Technology, do đó những tiêu chí kỹ năng họ đề cao ở ứng viên sẽ rất đáng để các tân cử nhân quan tâm.

Trước hết phải khẳng định ngành học và bằng cấp của các ứng viên vẫn là yếu tố được quan tâm nhiều. Trong xu hướng hiện nay, 3 bằng cấp được “để ý” nhiều nhất là lĩnh vực thương mại, kỹ thuật và khoa học thông tin – máy tính.

Tuy thế, vượt khỏi câu chuyện bằng cấp và ngành học, các chủ doanh nghiệp đều muốn có trong đội ngũ của mình những nhân sự có khả năng làm việc nhóm tốt, biết ra quyết định và có kỹ năng giải quyết vấn đề.

10 kỹ năng cần thể hiện

Dưới đây là 10 kỹ năng được xếp theo cấp độ quan trọng mà nhà tuyển dụng mong muốn tìm được ở ứng viên hiện nay:

1. Khả năng làm việc trong một tập thể/nhóm.

2. Khả năng ra quyết định và giải quyết vấn đề (hai yếu tố này liên quan mật thiết với nhau).

3. Có kỹ năng giao tiếp hiệu quả bằng lời với mọi người trong và ngoài tổ chức doanh nghiệp.

4. Khả năng lên kế hoạch, tổ chức và ưu tiên trong công việc.

5. Khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin.

6. Khả năng phân tích các số liệu.

7. Kiến thức công nghệ liên quan tới chuyên môn công việc.

8. Sử dụng thành thạo các phần mềm máy tính.

9. Khả năng viết và/hoặc sửa chữa các văn bản báo cáo.

10. Khả năng bán hàng và ảnh hưởng tới những người khác.

Tin vui với tất cả các ứng viên là cho dù bạn học ngành gì thì vẫn phải thật sự chăm chút cho 5 kỹ năng đầu tiên.

Vì các nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm tới chúng nên thủ thuật ở đây là bạn hãy nhớ thể hiện rõ ràng, cụ thể các kỹ năng đó trong thư xin việc, sơ yếu lý lịch và nội dung trao đổi khi phỏng vấn.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *