Lỗi nhỏ mà tác hại lớn khiến cho cv của bạn bị bỏ qua
Một hồ sơ viết sơ sài, thiếu thông tin, không chuẩn bị cẩn thận sẽ bị loại ngay lập tức vì đây là lỗi không đáng có.
CV là “cầu nối” quan trọng giúp ứng viên tiếp cận với nhà tuyển dụng. Nhưng không phải ai cũng biết cách xây dựng cho hình ảnh đại diện của mình trở nên đẹp, mang lại hiệu quả. Vượt qua sự cạnh tranh gay gắt của hàng trăm ứng viên và quá trình sàng lọc khắt khe từ nhà tuyển dụng để có cơ hội tham gia phỏng vấn là một nỗ lực rất lớn. Vì thế, đừng bao giờ để những thiếu sót nhỏ nhặt hoặc sai lầm do chủ quan, bất cẩn khiến bạn mất cơ hội mơ ước.
Những chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng – HR Manager của Career Việt Nam sẽ giúp chúng ta thêm nhiều thông tin và bí quyết “tránh xa” những lỗi nhỏ gây tác hại khó lường.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác tuyển dụng và quản lý nhân sự, chị có thể chia sẻ về những lỗi thường gặp trong CV khiến ứng viên ngay lập tức mất điểm với nhà tuyển dụng? Có lỗi nào được cho là nghiêm trọng?
Sai sót thường gặp trong CV là lỗi chính tả, nội dung quá ngắn hoặc quá dài, thông tin mơ hồ, không có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng hoặc mục tiêu nghề nghiệp không thích hợp. Ngoài ra, cách trình bày kinh nghiệm làm việc không theo thứ tự thời gian từ hiện tại đến quá khứ cũng là một trong những điều không ghi được điểm với nhà tuyển dụng.
Sai chính tả là lỗi rất nghiêm trọng, nó thể hiện rằng ứng viên thiếu quan tâm và rất cẩu thả. Bạn nên biết, ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng là ấn tượng quan trọng nhất. Với một bản CV đầy lỗi chính tả và định dạng văn bản không chuyên nghiệp, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá phần nào tính cách chủ nhân của nó.
Nhà tuyển dụng thường phản ứng thế nào với CV bất cẩn hoặc quá tự tin, cường điệu?
Nhà tuyển dụng thông thường dựa trên CV để cân nhắc ứng viên cho các giai đoạn tuyển dụng tiếp theo. Họ sẽ chỉ chú ý và chọn lựa ứng viên nào có hồ sơ ấn tượng, chuyên nghiệp và đạt yêu cầu trong giai đoạn sàng lọc tiềm năng. Một hồ sơ viết sơ sài, thiếu thông tin, không chuẩn bị cẩn thận sẽ bị loại ngay lập tức vì đây là lỗi không đáng có.
Với những CV quá tự tin hay cường điệu về bản thân, mục tiêu nghề nghiệp, thiếu thực tế, nhà tuyển dụng thường sẽ đánh giá hai khía cạnh: Một là ứng viên này rất xuất sắc nên họ rất tự tin, vậy phải xem những kỹ năng và kinh nghiệm của họ có phù hợp với yêu cầu công việc hay không rồi xem xét tiếp. Hai là, họ quá tự tin trong khi kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân không thể hiện điều đó thì nhà tuyển dụng sẽ loại ngay hồ sơ này để tránh mất thời gian.
Có bí quyết nào để người tìm việc tránh các sai lầm đã nêu trên không?
Một bí quyết cực kỳ đơn giản đó là luôn luôn kiểm tra và đọc lại CV thật nhiều lần. Xem đi xem lại hồ sơ không chỉ là kiểm tra lỗi chính tả mà còn là tìm ra những điều chưa thích hợp để điều chỉnh. Nếu có thể, bạn hãy nhờ ai đó xem giúp và cho bạn ý kiến.
Tìm kiếm những mẫu CV chuẩn trên mạng để học hỏi cách trình bày và bố cục của một CV chuyên nghiệp cũng là một cách hay. Nhưng tuyệt đối không nên sao chép toàn bộ các nội dung của CV mẫu. Hãy có dấu ấn riêng mình!
Ngoài ra, các bạn cần lựa chọn mô tả các nhiệm vụ chính phù hợp với công việc ứng tuyển đồng thời chỉ nên ứng tuyển cho những vị trí công việc phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của bản thân và những lĩnh vực, ngành nghề mà bạn có kinh nghiệm.
Theo đánh giá của chị thì mặt bằng chung về chất lượng ứng viên hiện nay thế nào? Đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường?
Mặt bằng chung về chất lượng ứng viên hiện nay chia ra làm 3 cấp độ: sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, ứng viên ít thâm niên với kinh nghiệm từ 1-2 năm và ứng viên cao cấp. Với ứng viên cao cấp thì họ xác định và thể hiện mục tiêu nghề nghiệp cùng kỹ năng tích lũy rất rõ ràng, chuyên nghiệp và đầy đủ. Còn với hai cấp độ đầu tiên thì do kinh nghiệm làm việc còn chưa hoàn thiện đồng thời lại chưa biết cách trình bày thế mạnh bản thân trong CV nên nhà tuyển dụng thường phải sử dụng phương pháp “screening” CV bằng những từ khóa kỹ năng cần thiết.
Vậy, để CV của bạn thu hút được nhà tuyển dụng thì điều đầu tiên là phải biết trình bày chọn lọc “tên vị trí công việc” hoặc “kỹ năng công việc” mà bạn đang sở hữu sao cho phù hợp với yêu cầu công việc đăng tuyển.
Cuối cùng, chị dành lời khuyên nào đến các bạn trẻ đã và đang tìm việc?
Trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển, các bạn nên tự đặt cho mình những câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp như sau:
– Đâu là công việc phù hợp với chuyên ngành tôi vừa tốt nghiệp?
– Mục tiêu nghề nghiệp tôi định hướng sau 3 – 5 năm tới?
– Công việc nào tôi nên làm để trau dồi kiến thức và nâng cao chuyên môn nhằm đạt được mục tiêu nghề nghiệp?
– Những kỹ năng, kinh nghiệm tôi tích lũy được từ các công việc tạm thời khi còn đang đi học là gì?
Hãy trả lời rốt ráo các câu hỏi nêu trên. Tiếp đến là nghiên cứu kỹ về yêu cầu công việc mà bạn mong muốn để đánh giá xem mình đạt và không đạt những gì. Sau đó, bạn có thể điều chỉnh hồ sơ cho phù hợp nhất với công việc mong muốn ứng tuyển. Như thế thì mới thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng các bạn là ứng viên tiềm năng, có thể đáp ứng cho công việc mà họ đang tìm người đảm trách.
Tìm việc là quá trình không hề nhanh chóng và dễ dàng, tuy nhiên các bạn hãy luôn nghĩ rằng “mọi người đều sẽ có vị trí của mình”. Hãy không ngừng hoàn thiện và cho nhà tuyển dụng thấy các bạn làm việc hiệu quả thế nào. Bắt đầu ngay bằng việc không bao giờ cho phép những sai sót nhỏ nhặt nhất biến hồ sơ bạn trở nên vô giá trị.
Leave a Reply