Nghề môi giới tàu biển: nghề đang có mức lương cực khủng

“Không đơn giản để kiếm bộn tiền như nguời ta nghĩ về công việc của chúng tôi”, Harry Nguyễn, một cựu sinh viên Việt Nam chuyên ngành ngoại thương, tốt nghiệp MBA ở Singapore, đang làm môi giới mua bán tàu tâm sự.

Môi giới tàu biển không phải là công việc cho những kẻ tay ngang hoặc ngẫu hứng. Đây là một công việc thực sự có thể kiếm bộn tiền nhưng cũng rất khắt khe với những người muốn gia nhập “sân chơi”.

Một kẻ tự xưng là “môi giới tàu biển thứ thiệt” đã liệt kê trên blog tới 7 lý do mà tại sao bạn nên chọn nghề này như mức lương cao ngất ngưởng nếu bạn có những khả năng thực sự xuất chúng, cơ hội vi vu khắp thế giới, vị trí công việc luôn ổn định và không quá phức tạp về các mối quan hệ đồng nghiệp, 365 ngày luôn biến động, và trên tất cả, công việc và phong cách sống của bạn do chính bạn tạo ra từ tính cách của mình.

Nghề bộn bạc

Hiểu một cách nôm na môi giới tàu biển là nghề mối lái để thuê/cho thuê hay mua bán tàu biển, một công việc có vai trò quan trọng đối với ngành hàng hải quốc tế. Các hãng môi giới lớn tập trung ở London, Oslo, Piraeus, New York, Houston, Hamburg, Copenhagen, Singapore, Tokyo, Hongkong và Thượng Hải.

Công việc môi giới tàu biển được chia làm các nhóm chính như thuê tàu chở hàng khô, thuê tàu container, mua bán tàu, nghiên cứu về thị trường và xu hướng… Nghe thì có vẻ đơn giản tới mức bất kỳ ai đã kinh qua nghiệp vụ cảng biển hay xuất nhập khẩu đều có thể làm được, nhưng để thu phí hoa hồng của khách hàng đâu có dễ như vậy.

Một nhà môi giới S&P (tức là môi giới mua bán tàu), sẽ phải thuyết phục được người mua một cách “tâm phục khẩu phục” về cơ hội mua bán, xu hướng của thị trường (một vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu này). Thêm nữa, nhà môi giới phải phân tích dự kiến doanh thu, giá trị hiện tại và tương lai của chiếc tàu, cũng như những doanh thu trong tương lai từ sự ổn định của thị trường …

“Không đơn giản để kiếm bộn tiền như nguời ta nghĩ về công việc của chúng tôi”, Harry Nguyễn, một cựu sinh viên Việt Nam chuyên ngành ngoại thương, tốt nghiệp MBA ở Singapore, đang làm môi giới mua bán tàu tâm sự.

Nguyễn cho biết, một chuyên gia có kinh nghiệm khoảng ba năm có thể kiếm được bình quân 70-120.000 USD/năm. Anh nói: “Thử tượng tưởng nếu bạn có hơn 7 năm kinh nghiệm trong nghề mối lái đầy cạnh tranh này, bạn chỉ việc ngồi thảnh thơi như một kẻ rỗi việc ở Bãi Dài, Nha Trang hay thậm chí nghỉ dài ngày ở Evason Hideaway (một hệ thống du lịch, nghỉ dưỡng quốc tế cao cấp) cũng vẫn có thu nhập ổn định hơn 300.000 USD/năm.

Anh Dương, một môi giới kinh nghiệm nhận định, công việc của một nhà môi giới tàu biển là một sân chơi lớn và thực sự khác biệt. Nếu bạn chấp nhận luật chơi, bạn sẽ bị “trượt” rất nhanh vào cái sân chơi đó, nơi không một ngoại lệ nào được chấp nhận.

Bạn sẽ phải học, phải theo những gì thuộc về thông lệ mang tính toàn cầu, vì thị trường của bạn không giới hạn ở những kilômét đường biển mang hình chữ S. Cố gắng trì hoãn những đơn chào hàng trong các giai đoạn suy thoái kinh tế để tạo áp lực ảo cho chủ tàu, hay tư vấn cho chủ tàu các mức cước cạnh tranh của các chủ tàu khác, chưa kể phải luôn chủ động dự báo về thị trường vận chuyển hàng hóa toàn cầu trong bối cảnh biến động chung giữa các khu vực thị trường lưu chuyển như Mỹ và Trung Quốc.

Cái nghề thu bộn bạc này là một nghề thực sự cạnh tranh, và quá phức tạp vì công việc của họ là phải làm sao để kẻ có nhu cầu thuê hay mua đến được với người muốn cho thuê hay bán một chiếc tàu. Chỉ đến khi hai phía kia đồng ý ký với nhau hợp đồng đồng ý thuê hay mua/bán thì họ mới được nhận khoản phí gọi là “tiền hoa hồng”.

Tuy nhiên, khoản phí đó rất hậu hĩnh vì nhà môi giới thuê tàu thường yêu cầu mức phí không ít hơn 1,25% trên trị giá hợp đồng thuê tàu.

Nghề bội bạc?

“Tôi là một nhà môi giới tàu, có bằng cấp về vận tải quốc tế, là chủ một gia đình và nói chung một gã đàn ông không tệ. Tôi đã từng môi giới cho thuê tàu, mua bán tàu, thậm chỉ từng là chủ tàu (trên danh nghĩa), và đã từng nắm giữ những vị trí chủ chốt ở một số công ty môi giới/vận tải lớn của nước ngoài có quan hệ với các cảng lớn ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Tôi có thể cho tất cả các bạn quan tâm tới nghề này những lời khuyên chân thành nhất về những gì liên quan tới cái nghề tưởng như dễ mà lại khó này – đánh giá về thị trường thuê tàu, các mức lương và thu nhập từ tiền hoa hồng, các địa chỉ vận chuyển hàng hóa rẻ nhất, bí kíp của người hành nghề môi giới, cũng như đạo lý/nghệ thuật của người làm nghề…”

Đó là những lời tự bạch của Cương Nguyễn, một người “bị” cái nghiệp môi giới tàu biển này vận vào thân và không dứt ra được.

Xét trên khía cạnh thời gian và chi phí để có được một công việc nhiều tiền và được chủ động về thời gian thì đúng là anh có lợi, thậm chí là may mắn so với các bạn cùng lứa của Khoa Kinh tế Đối Ngoại.

Nhưng bên cạnh đó, anh phải chịu áp lực triền miên của công việc nhiều lúc là 24/24 và 7 ngày một tuần vì sự khác biệt giữa các múi giờ quốc tế. Chưa kể căng thẳng do áp lực công việc hoặc từ khách hàng là chuyện nhiều hơn “cơm bữa”, cả tháng có khi ngồi thiền trước bàn làm việc với hàng mớ giấy tờ, tài liệu tham khảo để kịp nắm bắt thị trường, không có thời gian mà về ăn cơm với gia đình.

Ngoài ra, còn việc phải đi lại như con thoi và không theo lịch trình cố định giữa Bắc-Trung-Nam, thậm chí nhiều khi phải bay qua Singapore hoặc Thượng Hải do hạ tầng cảng của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu của của khách hàng …

Số tàu trọng tải lớn, tàu container, hay số cầu bến cho tàu trên 5 vạn DWT ở Việt Nam là con số thường trực trong đầu anh; chưa kể số cảng biển quốc tế đang nằm trong quy hoạch để đi vào vận hành mới.

“Vinh” nhiều nhưng cũng không ít lần “tủi” khi dự các bữa tiệc chiêu đãi, khai trương hay họp mặt, mỗi khi nghe tới từ “môi giới” thì chả cần biết anh môi giới gì, người ta đều lạnh và từ từ lảng đi. Anh cám cảnh: “Môi giới bị xếp vào trong cái sọt không lấy gì làm tử tế và lương thiện lắm vì “tưởng gì, tụi mối lái để kiếm tiền ấy mà”.

“Đúng là cái nghề nghiệt ngã vì mình có sản xuất ra sản phẩm gì đâu mà bán, mình đi chào bán thứ mà mình cũng không có, nhưng cái mà mình mang tới cho khách hàng là thông tin đã được phân tích và định hướng để họ chọn lựa. Họ cần mình, và mình được trả tiền cho những gì mình mang tới cho họ vì nó có ích”, không ít lần Cương tự nhủ mình vậy và cũng không ít lần anh đã tính chuyện nhận lời làm đại diện cho một hãng tàu biển nhưng ma lực của công việc “mối lái” cao cấp này khiến anh không thể dứt ra nổi./.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *